Cô gái Thượng Hải nói đây là nhân vật đang là hình mẫu lý tưởng của nhiều người, trong đó có Feng Xinyu, 19 tuổi, khách hàng của Xu.
Họ đợi nhau ở ga tàu điện ngầm. Khi nhìn thấy Feng, Xu nở nụ cười hạnh phúc, nắm tay và trò chuyện vui vẻ. Buổi hẹn hò bắt đầu trong quán trà, ăn lẩu và đi dạo.
Ở lớp trang trí bánh kem, Feng nghiêng người qua bàn, chăm chú xem Xu vẽ nhiều lớp kem trên bánh bông lan. Sau đó, Xu nhẹ nhàng giúp Feng tháo tạp dề, mô phỏng hành vi lịch thiệp của Jesse.
"Tôi không có bạn trai", Feng nói. "Tôi thích các nhân vật anime bởi họ rất hấp dẫn". Cô đã thuê Xu hai lần với giá 70 USD và trả thêm các chi phí cho buổi hẹn hò.
Những khách hàng như Feng được gọi là "các cô gái mơ mộng". Họ có cảm xúc mạnh mẽ với nhân vật trong game và muốn nâng cao trải nghiệm bằng cách đưa "người yêu" từ màn hình ra thế giới thực.
Từ thời học sinh, Xu đã kiếm tiền tiêu vặt bằng công việc này. Cô học cách hóa trang thành các mẫu nhân vật nam trong game và đưa khách hàng đi hẹn hò.
Ở Trung Quốc, xu hướng này có tên cos commissioning, thu hút hàng triệu lượt theo dõi và bình luận trên các nền tảng mạng xã hội. Những cô gái thuê người hóa trang thành mẫu đàn ông trong mơ của họ.
Xu Yunting (bên trái) hóa trang thành nhân vật trong trò chơi video ở Thượng Hải. Ảnh: Japan Today
Họ xuất hiện nhiều nhất ở các buổi workshop vẽ búp bê và trang trí bánh kem. Một nhân viên ở lớp trang trí bánh nói thấy ngày càng nhiều cặp cosplayer (hẹn hò với người hóa trang) đến trong năm qua. Vào cuối tuần, số lượng lên đến hàng chục.
Các chuyên gia cho rằng trào lưu trên cho phép các cô gái trẻ hiện thực mối quan hệ lý tưởng. Bên cạnh đó, các cosplayer (người hóa trang) thường là nữ giới khiến khách hàng cảm thấy được an toàn.
"Tôi không nghĩ rằng giới tính của người được thuê là quan trọng", giáo sư Tian Qian Đại học Phúc Đán, nói. "Họ chỉ đang muốn cải thiện yêu cầu trong thực tế về những gì họ muốn từ một người đàn ông và không phải chấp nhận người kém chất lượng".
Mẹ Xu, bà Fang Xiuqing, thừa nhận khi con hóa trang thành đàn ông, bà đã rất ngạc nhiên nhưng dần chấp nhận ý tưởng này.
"Tôi không nghĩ đây là công việc mà là sở thích", Fang nói. "Con bé thấy vui khi đem lại niềm vui cho người khác.
Tian cũng cho rằng nên xem cosplayer là người hỗ trợ cảm xúc. "Dù đây là công việc được trả tiền nhưng nó vẫn tạo cảm giác được nhìn nhận", ông nói. "Điều này có tác dụng chữa lành nhất định".
Ngọc Ngân (Theo Japan Today)