Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

16/09/2024
|
0 lượt xem
Bất Động Sản Thị Trường
Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ 2023. Nguồn vốn mới chiếm hơn 12 tỷ USD. Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD và xếp thứ ba là Nhật Bản với hơn 1,2 tỷ USD.

Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vốn đăng ký cấp mới đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh thì FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Về vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm 9% tổng vốn FDI thực hiện.

Bất động sản khu đông dọc theo Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, tháng 2/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29% tổng vốn góp. Dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản trải rộng ở mọi phân khúc nhà ở, khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó mảng nhà ở và khu công nghiệp đang là điểm sáng.

Ghi nhận từ VnExpress cho thấy trong 8 tháng đầu năm, thị trường xuất hiện nhiều thương vụ M&A giữa đối tác ngoại với doanh nghiệp nội, nổi bật như Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển khu dân cư The One World rộng 50 ha tại Bình Dương. Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước quy mô 45,5 ha (Đồng Nai) từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.

Tiếp đó là thương vụ Cosmos Initia (thành viên Daiwa House Group Nhật Bản) liên doanh với Công ty cổ phần đầu tư TT Capital và Koterasu Group triển khai dự án TT AVIO, quy mô gần 2.000 căn hộ giá từ 1,2 tỷ đồng ở TP Dĩ An, Bình Dương. Liên doanh Nhật trên cũng sẽ đầu tư 150 triệu USD để thực hiện mục tiêu triển khai khoảng 5.000 căn nhà ở vừa túi tiền ra thị trường Việt Nam trong 5 năm tới.

Ngoài ra Vinhomes đã hợp tác với Nomura (Nhật Bản) đồng phát triển hai phân khu trong dự án Vinhomes Royal Island. Công ty Bản Việt hợp tác với thương hiệu Nobu Hospitality ra mắt một dự án chung cư cao cấp tại Đà Nẵng. Về lĩnh vực công nghiệp, thương vụ nổi bật là Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Sau khi tiếp nhận khu đất này, Tripod Technology đã đầu tư 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy linh kiện điện tử.

Ông Jack Nguyễn, Tổng giám đốc InCorp Việt Nam, nhận định Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam những năm qua. Dòng vốn từ Trung Quốc hướng đến các khu công nghiệp quy mô lớn để thiết lập chuỗi cung ứng, trong khi nhà đầu tư Nhật Bản lại chú ý đến bất động sản nhà ở vừa túi tiền, ưu tiên các doanh nghiệp có quỹ đất "sạch", có kinh nghiệm trong quản lý, vận hành, phát triển dự án bất động sản.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đơn vị này ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng giá trị thật, pháp lý hoàn chỉnh. Sự khác biệt là dòng vốn FDI vào bất động sản nhà ở hiện nay không chỉ xoay quanh dự án cao cấp mà có thêm nhiều đại gia nước ngoài tham gia cuộc chơi làm nhà ở bình dân.

Bà Trang nhận định, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Riêng với phân khúc bất động sản nhà ở, tỷ lệ sinh lời đạt tới 8-10% mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức 2-3% mỗi năm của các nước xung quanh.

Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo giai đoạn 2024 - 2026 sẽ có một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên thủ tục hành chính, pháp lý và khan hiếm quỹ đất vẫn đang là rào cản lớn với dòng vốn FDI khi tìm đến Việt Nam.

Đại diện Savills Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp nhận được nhiều yêu cầu tư vấn M&A từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Đài Loan vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên nhà đầu tư ngoại vẫn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là bước giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Ngoài ra việc tìm kiếm đối tác nội địa cũng không dễ dàng khi hiện nay có rất ít dự án được hoàn thiện về mặt pháp lý, yếu tố mà khối ngoại đánh giá cao khi thương lượng đầu tư.

Các chuyên gia kỳ vọng, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ được những "nút thắt" về mặt pháp lý, thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Luật cũng bổ sung nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các quy định mới cởi mở hơn là tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phương Uyên

Tin liên quan
Tin Nổi bật