Trả lời:
So với phế cầu 10, vaccine phế cầu 23 giúp phòng thêm 13 chủng phế cầu phổ biến thường gây bệnh trên người. Do đó, người đã tiêm mũi phế cầu 10 vẫn cần thêm loại 23, để tăng mức độ phòng bệnh, đặc biệt ở người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc phế cầu, ví dụ trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, đường huyết...
Vaccine mới phế cầu 23 vừa được đưa vào tiêm chủng lần đầu tại Việt Nam cuối tháng 8, chỉ định cho trẻ từ hai tuổi và người lớn không giới hạn độ tuổi. Loại mới cung cấp thêm biện pháp phòng ngừa bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Vaccine đồng thời giúp củng cố hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm trước đó.
Vaccine phế cầu 23 tiêm cho trẻ em từ 2 tuổi đến người lớn, giúp phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Ảnh: Hoàng Thọ
Nhằm đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, tất cả trẻ em cần hoàn thành lịch tiêm phế cầu 10 và 13 trước khi bổ sung thêm vaccine mới. Trẻ đã tiêm phế cầu 10 được khuyến cáo thêm một mũi phế cầu 13, cách mũi phế cầu 10 cuối cùng tối thiểu 2 tháng. Mũi phế cầu 23 sẽ cách mũi phế cầu 13 một năm.
Trường hợp đặc biệt trẻ có bất thường về lách, cắt lách hoặc người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ bị bệnh phế cầu xâm lấn, mũi phế cầu 23 có thể cách mũi phế cầu 13 hai tháng, tối thiểu 8 tuần.
Phế cầu là tác phân hàng đầu gây tử vong do viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu ghi nhận khoảng 8,9 triệu ca bệnh viêm phổi do phế cầu. Trong đó, 257.000 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn dễ lây lan thông qua đường hô hấp và các hành động như hắt hơi, ho, nôn hoặc cầm nắm đồ vật chứa vi khuẩn đưa lên mũi miệng...
BS.CKI Nguyễn Lê NgaQuản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.