Top 5 châu Á thay vì mục tiêu quá sức 'dự World Cup'

15/09/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Top 5 châu Á thay vì mục tiêu quá sức 'dự World Cup'

Sau khi thua Thái Lan 1-2 trong trận giao hữu FIFA, tôi thấy nổi lên ý kiến "ưu tư" về HLV Troussier. Quả thật cái vòng luẩn quẩn giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), HLV Park Hang-seo và HLV Philippe Troussier chưa có lối thoát.

Sau khi bị loại ở vòng loại World Cup 2024 bởi chính đối thủ cùng khu vực là đội tuyển Indonesia, đội tuyển Việt Nam - VFF đã ngay lập tức làm cuộc "cải biên", không gọi là "cải cách" vì khi chuyển giao từ thế hệ đã thành công (HLV Park) sang HLV Troussier muốn cải cách để thành công hơn nhưng thất bại.

Người hâm mộ vẫn còn ấm ức khi bị loại ở vòng loại World Cup 2024 và càng buồn hơn khi xem Indonesia đang chơi rất thuyết phục tại vòng loại thứ 3 World Cup.

Phải khẳng định rằng đội tuyển Indonesia của ngày hôm nay hoàn toàn khác đội tuyển Indonesia của những năm trước. Khác không phải từ sự phát triển của giải quốc nội (Liga) mà ở sự bứt phá đi nhanh về trước từ Hiệp hội Bóng đá Indonesia (PSSI) và tạo ra cuộc "cách mạng nhập tịch" cho đội tuyển.

Xem ra PSSI có một chiến lược rõ ràng, muốn phát triển nhanh phải "đứng trên vai người khác". Giờ đây họ ung dung dùng một đội tuyển nhập tịch để chinh chiến ở đẳng cấp Châu lục và một đội tuyển trẻ trong nước gọi là "bơi ở ao làng".

>> Phân tích giấc mơ Việt Nam dự World Cup 2026

Mượn nhập tịch để gặt hái thành công, nhằm tạo động lực dẫn dắt thế hệ trẻ trong nước tiến lên đó có thể nhìn nhận là một tính toán khôn ngoan. Thôi thì hãy quên bóng đá Indonesia đi, vì Indonesia hiện nay không phải là Indonesia năm xưa. Quên đi để lo làm lại đội tuyển Việt Nam và làm lại bằng cách nào, khi đang loay hoay.

Phương án một: Tiếp tục "xới tung" đội tuyển và bổ sung nhân tố mới, chơi bóng theo triết lý "kiểm soát bóng" hay.

Phương án hai: Tiếp tục với nền cũ đã gặt hái thành công bằng lối chơi "Phòng ngự phản công" và bổ sung nhân tố mới để nâng cấp lên. Chọn cách nào là chiến lược của VFF, không nằm ở người hâm mộ nhưng ngay trước mắt có thể thấy nhân tố mới bổ sung cho đội tuyển là rất hiếm, tìm không ra.

Đây rõ ràng là "vấn nạn" của bóng đá Việt Nam trong hơn ba thập niên qua. Sự phát triển và kế thừa thì ai cũng biết nhưng làm không được hoặc làm không xong. Vậy tại sao bóng đá Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tham dự World Cup?

Khi quá hiểu rõ thực lực của mình là như thế, phải chăng vì một chút "bốc đồng" mà tuyên bố tham dự World Cup để lấy uy với người hâm mộ. Hay vì một đội tuyển đã gặt hái được thành công nhất định trong năm năm qua thì cần phải tiến xa hơn?

Nếu là như vậy thì phương án thứ hai (nói trên) sao không chọn lựa nhằm cải thiện nâng cao đội tuyển nhưng không xa rời lối chơi phù hợp được minh chứng theo thời gian để đáp ứng cho nhu cầu mới.

Không phải là lối chơi "kiểm soát bóng" thì sẽ phát triển, lối chơi "phòng ngự phản công" là không thể phát triển, đó là nhận định sai lầm.

Cái cần nhất là xác định xem ta có gì và thực lực, cơ địa cầu thủ như thế nào để có lối chơi riêng.

Thể trạng con người Việt Nam nhỏ, nhưng cơ địa dẻo dai, nhanh nhẹn bằng chứng "đánh du kích" bách chiến bách thắng.

Không thể lấy theo chuẩn bóng đá của châu Âu hay châu Mỹ mà dùng cho bóng đá Việt Nam, có đi chăng là chắc lọc tinh túy.

Tôi nghĩ cần nhận định lại và điều chỉnh chiến lược phát triển cho nền bóng đá nước nhà. Hãy bỏ và quên ngay đi mục tiêu tham dự World Cup và tập trung hỗ trợ đào tạo thế hệ cầu thủ sao cho tám năm tới đây đội tuyển Việt Nam nằm ở Top 5 - châu Á.

Đó mới là mục tiêu thiết thực và vừa tầm phấn đấu. Đủ sức nằm trong Top 5 - châu Á liên tục trong nhiều năm liền thì mặc nhiên đi dự World Cup là chuyện không ngoài tầm tay.

Là một người hâm mộ bóng đá nước nhà, tôi có tâm nguyện như trên.

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về bóng đá tại đây.

Bill Trần

Tin liên quan
Tin Nổi bật