"Nhà tôi bị hàng xóm xây lấn chiếm 5 cm bề ngang nhưng do đất ở thành phố giá cao nên tôi vẫn kiện, dù một vụ như thế này ra tòa thời gian kéo dài rất lâu. Sang năm thứ tư rồi mà vẫn dậm chân tại chỗ.
Cứ khoảng 3 tháng, tôi lại được mời lên hòa giải, thuyết phục nhận tiền bồi thường của hai ông bà chủ nhà xây lấn kia nhưng tôi không đồng ý. Tôi yêu cầu tháo dỡ, trả lại hiện trạng.
Tóm tắt nguyên tắc bồi thường dân sự: Tài sản của ai trả về người đó. Chỉ có những tài sản bị thiệt hại không thể khôi phục được tình trạng trước khi bị thiệt hại thì mới chuyển sang phương án bồi thường bằng tiền hoặc thóc, gạo như hồi xưa.
Việc xây lấn đất có thể trả lại được bằng cách chủ nhà xây lấn đập, tháo dỡ phần xây lấn và trả lại hiện trạng. Tòa án xác định đúng ông chủ nhà kia đã xây lấn đất, cho dù nhà đã hoàn công, tòa án sẽ vẫn ra phán quyết đập và tháo dỡ phần xây lấn. Ông chủ nhà kia phải thực hiện việc đập và tháo dỡ. Nếu không muốn giải quyết theo hướng này, phải chấp nhận thời gian kéo dài vài năm.
Nếu chuyển sang phương án bồi thường: Không bao giờ có chuyện lấn bao nhiêu m2 đất thì bồi thường bằng giá thị trường của diện tích lấn chiếm vì khi ông chủ nhà phải đập và tháo dỡ phần lấn chiếm để trả lại diện tích lấn chiếm, số tiền ông bỏ ra có khi nhiều hơn giá trị phần đất lấn chiếm cho dù tính theo giá thị trường. Rất có thể, ông ấy phải đập cả căn nhà vì kết cấu đà, cột nằm trên phần lấn chiếm".
Độc giả Mai chia sẻ như trên, kể về cách bản thân lựa chọn khi xử lý tình trạng bị người khác xây nhà lấn đất.
*Bạn có phương án nào giải quyết trường hợp trên?
Hữu Nghị tổng hợp