Đại diện trường ngày 4/9 cho biết đây là một trong 6 phương thức tuyển sinh năm sau. Các phương thức khác tương tự năm ngoái, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét học bạ; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM, Sư phạm Hà Nội và TP HCM.
Riêng ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Quản lý thể dục thể thao, trường kết hợp thêm điểm thi năng khiếu do trường tổ chức.
Nếu thành hiện thực, đây sẽ là trường Sư phạm thứ ba tổ chức kỳ thi riêng, bên cạnh Đại học Sư phạm Hà Nội và TP HCM.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm nay tuyển khoảng 2.000 sinh viên cho 23 ngành. Điểm chuẩn của trường theo kết quả thi tốt nghiệp từ 15,35 đến 28,83 với tổ hợp ba môn, cao nhất là ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn.
Với phương thức xét học bạ, trường có 9 ngành lấy trên 29/30 điểm. Cao nhất vẫn là Sư phạm Ngữ văn - 29,8 điểm, kế đến là Sư phạm Toán học với 29,63.
Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Trong đó, kỳ thi của hai đại học quốc gia và Bách khoa Hà Nội thu hút đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất.
Hai kỳ thi của Đại học Sư phạm Hà Nội và TP HCM cũng ngày càng nhiều thí sinh tham gia. Năm nay, số đăng ký kỳ thi của Sư phạm Hà Nội là 11.500, tăng 2,5 lần so với năm ngoái.
Năm 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh đỗ đại học, khoảng 2,57% nhập học bằng cách xét điểm các kỳ thi riêng.