Tôi có cùng cảm nhận với tác giả bài viết Bánh trung thu gần 70 nghìn đồng 'bình dân nhưng đắt đỏ' vì tôi từng đứng tần ngần trước quầy bánh và đắn đo nhìn giá niêm yết.
Trung thu - Tết thiếu nhi, là ngày hội để các cháu rước đèn, phá cỗ, và ăn bánh trung thu. Ngày xưa, con nít không có nhiều quà bánh, nên một miếng bánh trung thu là niềm ao ước. Còn bây giờ, bánh trái ngập tràn quanh năm, miếng bánh trung thu không còn to tát trong mong muốn của trẻ con nữa.
Thứ lẽ ra dành cho trẻ con, nhưng bị người lớn biến thành món quà biếu xén nhau, vô tình đẩy giá lên cao. Trẻ con nhà có điều kiện, bố mẹ được tặng bánh trung thu đem về đầy ắp nhà nhưng không thèm ăn, như một bình luận chia sẻ của một vị độc giả.
Còn những em không được điều kiện như vậy, một chiếc bánh trung thu nho nhỏ, nhưng giá 70-80 nghìn đồng, dù bình dân nhưng cũng hoá to tát với túi tiền của bố mẹ các em.
Đành rằng có bao nhiêu là lý do, nguyên liệu đắt, mỗi năm có một mùa, các hãng cần lợi nhuận... nhưng giá bánh thực tế như vậy liệu có hợp lý?
Tôi e là không, vì vài năm trở lại đây, khi lần đầu tiên ăn một chiếc bánh pía, tôi đã phải lòng nó, và không tìm được lý do gì để tốn gần trăm nghìn mua một chiếc bánh trung thu cả.
Về hình thức, bánh pía và bánh trung thu cơ bản giống nhau. Bánh nào cũng có "lớp da" bằng bột bên ngoài, bên trong là nhân đậu xanh, trứng muối, bánh pía còn có sầu riêng... Nhưng theo tôi, một ưu điểm là bánh pía mềm mại, trẻ con ăn cũng hợp mà người lớn, nhất là các cụ già răng đã yếu lại càng hợp.
Xét về giá cả, cùng giá tiền 70-80 nghìn đồng chỉ mua được một chiếc bánh trung thu nhưng bánh pía thì mua được cả cây, 4 chiếc.
Tôi và gia đình đã trở thành fan ruột của bánh pía như vậy đó. Khi người ta dựa vào hình thức để làm giá, thì một người tiêu dùng thông thái sẽ tự khắc lựa chọn sản phẩm khác phù hợp và có lợi về kinh tế hơn.