Kết quả xét nghiệm nội tiết, hormone FSH, định lượng LH và estradiol xác định chị Hạnh gần mãn kinh.
Tương tự, chị An, 40 tuổi, thường xuyên bị nóng trong người, mặt đỏ bừng không rõ nguyên nhân. Cơn bốc hỏa kéo dài khoảng 5 phút, sau đó tâm tính chị cũng thay đổi, dễ khóc, tủi thân, cáu kỉnh. Tâm trạng buồn bực, chị sụt cân, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hạnh và An có những triệu chứng rối loạn vận mạch cụ thể là bốc hỏa (hot flashes) và thay đổi tâm trạng do tiền mãn kinh. Đây là triệu chứng phổ biến, hơn 80% phụ nữ phải trải qua trong thời kỳ mãn kinh.
Cả hai có những cơn bốc hỏa khởi đầu đột ngột, nóng mặt, trên ngực, sau đó lan ra toàn thân, kéo dài 2-4 phút. Họ còn bị thay đổi tâm lý, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, cáu gắt vô cớ. Nguyên nhân khiến phụ nữ bỗng dưng bốc hỏa là do suy giảm hormone sinh dục, suy giảm estrogen ở nữ giới tiền mãn kinh, mãn kinh.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quận 8 tư vấn cho phụ nữ tiền mãn kinh. Ảnh minh họa: Thanh Tùng
BS.CKII Nguyễn Ngọc Thoại, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt khoảng 50-51. Chị Hạnh và An chưa mãn kinh, vẫn còn kinh nguyệt nhưng nội tiết sụt giảm dẫn đến các biểu hiện trên.
Thời điểm có những triệu chứng tiền mãn kinh đến lúc phụ nữ hoàn toàn mãn kinh trung bình khoảng 5 năm. "Nếu không được chữa trị, tình trạng có thể ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống và quan hệ vợ chồng", bác sĩ Thoại nói.
Triệu chứng bốc hỏa chia theo nhiều mức độ. Trường hợp nhẹ không ảnh hưởng hoạt động thường ngày. Ở mức độ nghiêm trọng có thể suy giảm lượng sống, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí trầm cảm.
Bác sĩ Ngọc Thoại dẫn nghiên cứu công bố tháng 3/2024 trên tạp chí Menopause cho thấy phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có cả chứng đau nửa đầu và các triệu chứng vận mạch (bốc hỏa và đổ mồ hôi). Nhóm nghiên cứu theo dõi 2.000 phụ nữ 18-30 tuổi trong 15 năm, ghi lại các biến cố về bệnh tim mạch, đột quỵ, tần suất đau nửa đầu, triệu chứng bốc hỏa. Họ phát hiện nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn 1,5 lần ở phụ nữ thường xuyên bị đau đầu, bốc hỏa so với nhóm không mắc các triệu chứng này.
Điều trị chứng bốc hỏa ở tuổi tiền mãn kinh có thể bằng thuốc nội tiết hoặc điều chỉnh lối sống. Phần lớn phụ nữ chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt, thay đổi thói quen để các triệu chứng mãn kinh nhẹ nhàng. Một số cách hữu ích làm dịu thể trạng như sử dụng điều hòa, quạt giảm nhiệt độ phòng, tránh uống rượu, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tăng cường uống nước, rau xanh, bổ sung vitamin E.
Phụ nữ có các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng được bác sĩ cân nhắc chỉ định liệu pháp thay thế nội tiết tố bằng estrogen hoặc cả estrogen kết hợp với progestin. Như chị Hạnh sử dụng thuốc nội tiết bổ sung dạng uống cải thiện estrogen và khô hạn âm đạo. Chị An dùng thuốc bôi ở vùng kín, bổ sung estrogen ở vùng kín giúp giảm khô, tăng đàn hồi.
Sau 6 tháng bổ sung, các triệu chứng bốc hỏa của họ giảm rõ rệt. Cả hai tái khám định kỳ, duy trì nội tiết tố trong thời gian dài, kiểm tra sức khỏe, phòng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh lý tuyến vú, ngừa loãng xương, gãy xương.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có các dấu hiệu như khó ngủ, nóng bừng, đổ mồ hôi, giảm ham muốn, dễ thay đổi cảm xúc, cáu gắt... nên đến bác sĩ sản phụ khoa khám. Phát hiện và điều trị dấu hiệu tiền mãn kinh, mãn kinh giúp phụ nữ sống khỏe hơn.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp