Vị trí lún, nứt thứ nhất dài khoảng 100 m, từ cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trung Dũng 1 đến quán cà phê Phin (bên trái tuyến, hướng lưu thông từ Đăk Nông đến Bình Phước). Khu vực sạt lở thứ hai dài khoảng 20 m, cách điểm thứ nhất khoảng 300 m, nằm bên phải tuyến.
Điểm lún nứt bên quốc lộ 14, đoạn qua xã Quảng Tín. Ảnh: Ngọc Oanh
Sự cố sụt lún, sạt lở nền đường ảnh hưởng đất sản xuất của 15 hộ. Ngoài ra, một quán cà phê phải đóng cửa, di dời; một cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải tháo dỡ, sửa chữa một phần.
Chính quyền địa phương đã vận động các hộ gia đình trong di chuyển đến nơi an toàn. Cơ quan chức năng giăng dây, cắm biển bảng cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sụt lún và nguy cơ sạt lở cao.
Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Lê Thị Ngọc Điệp, cho biết tình trạng sạt lở, sụt lún dọc đường quốc lộ 14 xuất hiện từ ngày 8 đến 16/9. "Do mưa lớn kéo dài, địa hình đồi dốc khiến khối lượng đất đắp không liên kết được", bà Điệp nói.
Vị trí sụt lún thứ hai ven quốc lộ 14. Ảnh: Ngọc Oanh
Tình trạng sụt lún, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở Tây Nguyên vào mùa mưa, nhất là địa bàn ở vùng đồi núi. Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến triển khai việc giảm tải các khối đất san lấp mặt bằng dọc đường.
Quốc lộ 14 dài 980 km, điểm đầu ở cầu Đakrông, Quảng Trị, điểm cuối cắt quốc lộ 13 tại thị xã Chơn Thành, Bình Phước, là quốc lộ dài thứ 2 ở Việt Nam sau quốc lộ 1. Đây là tuyến huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, xuyên qua nhiều địa hình.
Trần Hóa