Theo quy định, điều kiện công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ở một địa phương là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới trong một thời gian nhất định và đã thực hiện các biện pháp chống dịch. Với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B như bệnh sởi và nhóm C, Sở Y tế báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định công bố hết dịch.
Ngày 17/9, kiểm tra chiến dịch tiêm vaccine tại quận 8, ông Thượng cho rằng địa phương đủ điều kiện sớm chấm dứt dịch vì đã tập trung rà soát tốt tiền sử tiêm của trẻ, huy động đội ngũ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi. Ngành y tế và giáo dục phối hợp tiêm vaccine tại các trường học, trạm y tế. Nhiều điểm tiêm chủng tư nhân trên địa bàn cũng tham gia tiêm miễn phí, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.
TS.BS Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8, cho biết lập danh sách hơn 18.400 trẻ 1-5 tuổi, đạt gần 98% tổng số trẻ trên hệ thống, trong đó 2.889 trẻ chưa tiêm đủ mũi. Quận cũng rà soát gần 23.000 trẻ 6-10 tuổi, trong đó hơn 6.100 trẻ chưa tiêm đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Quận 8 triển khai 200 điểm tiêm. Nhiều điểm tiêm tư nhân mở cửa ngoài giờ hành chính, thứ bảy và chủ nhật, giúp số mũi tiêm tăng nhanh từng ngày. Bà Nguyễn Thị Thiên, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, cho biết đã vận động tại nhà từng gia đình có trẻ cần tiêm và phát tờ rơi, tham gia hướng dẫn tại các khu vực điểm tiêm.
Như vậy, quận 8 có thể là quận đầu tiên tại TP HCM đủ điều kiện công bố hết dịch sởi. UBND TP HCM công bố dịch sởi từ chiều 27/8, sau đó thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine để nâng miễn dịch cộng đồng, từ 31/8. Chiến dịch tiêm cho tất cả trẻ 1-10 tuổi, với 300.000 liều vaccine mua từ ngân sách thành phố.
Đoàn Sở Y tế kiểm tra điểm tiêm vaccine sởi tại trường Tiểu học Nguyễn Trực, quận 8, ngày 17/9. Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Lê Phương