BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs) có thể truyền từ mẹ sang con trước, trong và sau sinh. Thai phụ mắc STDs có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của bản thân và thai nhi.
Chlamydia
Chlamydia là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn chlamydia trachomatis, lây qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Phần lớn nhiễm trùng do chlamydia trachomatis thường không có triệu chứng. Thai phụ nhiễm chlamydia có nguy cơ sảy thai, thai lưu, thai chậm phát triển trong tử cung, ối vỡ non, sinh non... Bệnh có thể truyền sang bé trong khi sinh. Trẻ có nguy cơ nhẹ cân, dễ bị nhiễm trùng sơ sinh hoặc viêm phổi nếu mẹ sinh con tự nhiên qua ngả âm đạo.
Nếu thai phụ không được điều trị, vi khuẩn chlamydia có thể ảnh hưởng đến ống dẫn trứng và tử cung, gây viêm vùng chậu mạn. Điều này có thể khiến người phụ nữ mang thai ngoài tử cung trong lần tiếp theo, đau vùng chậu mạn tính, diễn tiến vô sinh trong tương lai.
Herpes sinh dục
Herpes sinh dục có hai nhóm HSV-1 và HSV-2. Nhiễm trùng hầu hết do HSV-2 gây ra vết loét hoặc mụn nước ở bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường âm đạo, hậu môn, miệng. Trường hợp thai phụ nhiễm HSV-2 trong ba tháng đầu thai kỳ, virus có thể đi qua nhau thai làm rối loạn quá trình phát triển của thai nhi, gây sảy thai hoặc dị tật ở nhiều cơ quan như não, mắt, da.
Theo bác sĩ Hưng, thai phụ nhiễm virus lần đầu trong ba tháng cuối thai kỳ, nguy cơ cao lây truyền cho con. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng da, mắt, miệng, tổn thương hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng cáu kỉnh, sốt, lờ đờ, bú kém, co giật. Một số trẻ có thể mắc bệnh herpes lan tỏa, tức là virus lan ra nhiều cơ quan, chủ yếu phổi và gan gây nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ tư vấn xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục cho thai phụ tại phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7. Ảnh minh họa: Ngọc Châu
Bệnh lậu
Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn lậu có trong dịch tiết của bộ phận sinh dục. Bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh thường. Thai phụ mắc bệnh lậu có nguy cơ bị sảy thai, viêm màng ối, vỡ ối sớm, sinh non, thai nhẹ cân. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng mắt dẫn đến mù, viêm màng não, nhiễm trùng khớp hoặc máu đe dọa tính mạng.
Giang mai
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn treponema pallidum. Thai phụ mắc bệnh giang mai có khả năng truyền cho con qua nhau thai, gây nhiễm trùng bào thai, nguy cơ sảy thai, lưu thai, sinh non. Trẻ mắc bệnh có thể xuất hiện bọng nước ở tay chân, vết loét ở miệng, mũi, hậu môn, sốt, phát ban, sưng hạch, co giật, nguy cơ bất thường xương và tim, rối loạn thần kinh, chậm phát triển.
Viêm gan B, C
Virus viêm gan B thuộc họ hepadnavirus, thường lây truyền qua máu, dịch cơ thể và quan hệ tình dục. Thai phụ bị viêm gan B ba tháng cuối thai kỳ khả năng cao lây cho con qua nhau thai, dẫn đến sinh non. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh có thể bị vàng da, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu đậm, gan to, mắc bệnh gan mạn tính, ung thư gan hoặc tử vong.
Virus viêm gan C lây qua đường máu, quan hệ tình dục, kim tiêm. Thai phụ mắc viêm gan C không điều trị kịp thời có thể bị xơ gan, ung thư gan, dẫn đến tiền sản giật, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ dễ bị nhiễm virus viêm gan C từ mẹ trong tháng cuối thai kỳ hoặc khi sinh thường. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị viêm gan C mạn tính, xơ gan, ung thư gan, suy gan.
Bác sĩ Hưng khuyến nghị các cặp vợ chồng sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục trước khi mang thai nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Khám tiền hôn nhân, tiền thai để bác sĩ có thể tư vấn trực tiếp và lên kế hoạch tốt nhất cho thai kỳ sắp tới.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp