Sau một tuần đóng cửa vì ảnh hưởng của bão Yagi và lũ quét, Sa Pa, Lào Cai đã mở cửa lại các hoạt động du lịch.
Theo thông báo từ UBND thị xã Sa Pa, hệ thống giao thông cơ bản được đảm bảo. Một số địa điểm du lịch đã mở lại như Khu du lịch cáp treo Fansipan Legend vào 13/9; các khu thác Bạc, vườn đá Tả Phìn, Thung lũng xanh, Vườn hồng mộng mơ, Suối Vàng, Thác Tình yêu, Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, bản Cát Cát mở lại từ 14/9.
Một số điểm như đồi hoa hồng cổ, thung lũng Mường Hoa, Sín Chải được theo dõi thêm để đề phòng các rủi ro. Hiện thời tiết ổn định, chính quyền và người dân tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan và theo dõi sát các bản tin thời tiết để tư vấn cho du khách.
Cáp treo tại Khu du lịch cáp treo Fansipan Legend ngày hoạt động trở lại 13/9. Ảnh: Fansipan Legend
Tại Cao Bằng, sau nhiều ngày mưa lớn do ảnh hưởng của bão Yagi và những đợt lũ từ thượng nguồn, hiện "thời tiết rất đẹp", theo ông Hoàng Thái Bình, đại diện Khu du lịch thác Bản Giốc. Sau những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước ở thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đục "nhưng đang cải thiện". Cảnh quan cũng được chỉnh trang lại.
Ông Bình cho biết thêm các hoạt động du lịch diễn ra bình thường. "Đường vào thác có nguy cơ sạt lở gần đèo Mã Phục, có thể chọn các tuyến đường khác như qua thị trấn Trà Lĩnh", ông nói.
Ban Quản lý cũng khuyến cáo du khách tránh những chỗ nguy hiểm ở khu vực mép nước. Du khách cũng nên hạn chế các hoạt động dưới nước như đi bè mảng, bơi lội hoặc trekking trên những tảng đá. Ngoài ra, du khách nên lựa chọn những dịch vụ đã được cấp phép đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Mù Cang Chải và Tú Lệ ,Yên Bái nắng ráo và các thửa ruộng bậc thang bắt đầu ngả vàng. Đường vào các điểm quanh khu vực này đi chuyển thuận tiện, bao gồm đèo Khau Phạ. Một số tuyến từ miền xuôi có điểm sạt lở đang được chính quyền khắc phục.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải Yên Bái, các phương tiện lưu thông từ TP Yên Bái tới thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (các huyện và thị xã thuộc miền Tây tỉnh) theo QL37 và ngược lại. Từ Hà Nội, du khách được khuyến cáo lưu thông theo QL32, các tuyến đường khác có nhiều điểm sạt lở.
"Một vài khách du lịch đi xe máy từ thị xã Nghĩa Lộ đã tới Mù Cang Chải cuối tuần này. Di chuyển giữa các điểm trong huyện và tới các khu lưu trú thuận tiện", anh A Hờ, làm du lịch tại Mù Cang Chải, cho hay. Hiện hoạt động bay dù từ khu vực đèo Khau Phạ cũng đã được mở lại.
Tại Hà Giang, đại diện phòng truyền thông của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, cho hay thời tiết đẹp và không có hạn chế nào đối với các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, hiện du khách hầu như vẫn chưa trở lại Hà Giang.
Sở cũng khuyến cáo người dân và khách du lịch không đi lại các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn như tuyến đường 4 huyện cao nguyên đá: đường từ Mèo Vạc xuống sông Nho Quế, đường Thuận Hòa - Thái An, đường Đồng Văn - Mèo Vạc và một số tuyến đường, khu dân cư ở thành phố Hà Giang và Xín Mần, Quang Bình.
Một homestay tại hồ Ba Bể, Bắc Kạn ngày 13/9. Ảnh: ĐVCC
Tại hồ Ba Bể, Bắc Kạn và hồ Na Hang, Tuyên Quang, nước vẫn ở mức cao. Các điểm du lịch, khu lưu trú quanh khu vực hồ còn ngập. Nhiều nơi vẫn cần cứu trợ. Các tuyến đường quanh khu vực này cũng có nhiều điểm sạt lở.
"Hiện nước đã rút nhiều so với đầu tuần nhưng đường đi vào các khu vực quanh hồ Ba Bể vẫn ngập, các homestay chưa thể đón khách", một người dân sống gần hồ Ba Bể nói.
Anh Lê An, phượt thủ nhiều năm kinh nghiệm du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc, khuyên không nên bất chấp để đi du lịch vào thời điểm này, nên theo dõi thêm thời tiết và đợi một thời gian nữa. Các trải nghiệm khi đó sẽ trọn vẹn hơn.
"Miền núi phía bắc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, lũ quét bất ngờ, du khách nên đợi thêm 1-2 tuần nữa", anh An nói.
Tâm Anh - Nguyễn Tú