Trong văn bản gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok... Từ đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro. Họ sẽ phối hợp chặt với các cơ quan chức năng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.
Cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau nếu cơ quan thuế tại địa phương khác đề nghị rà soát tổ chức, cá nhân có thu nhập cao qua bán hàng livestream.
Theo hãng dữ liệu NielsenIQ, quý đầu năm, 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia, theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam.
Theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livetream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân.
Các yêu cầu rà soát được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh siết quản lý với thương mại điện tử nhằm tránh thất thu thuế. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.
Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Phương Dung