Hội chứng vùi lấp

12/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe
Hội chứng vùi lấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn An Pháp, từng công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.

Tổng quan

Vào năm 1941, hội chứng tiêu cơ vân được biết đến với tên gọi "Hội chứng vùi lấp", do Bywaters và Beal sau khi theo dõi đã phát hiện một hội chứng lâm sàng đặc biệt có ở các nạn nhân bị bom vùi.

Ban đầu những người này được sơ cứu và không có dấu hiệu nào cho thấy bất thường, tuy nhiên sau đó bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu: giảm huyết áp, mạch nhanh, trong nước tiểu thấy có myoglobin, nước tiểu ít có thể vô niệu. Số bệnh nhân mắc hội chứng này tử vong trong vòng 10 ngày trong tình trạng bệnh cảnh sốc và bị suy thận cấp.

Nguyên nhân

- Chấn thương, hoạt động thể chất quá sức, bất động lâu ngày, chèn ép cơ kéo dài, sử dụng các chất cấm, thuốc, độc tố, nhiễm trùng, mất cân bằng kali, tình trạng suy giáp, cường giáp, hạ thân nhiệt và tăng thân nhiệt.

- Các bệnh di truyền như rối loạn dự trữ glycogen (GSD) bệnh ty lạp thể và chứng loạn dưỡng cơ.

- Cơ hoạt động quá mức có chủ đích, chẳng hạn như chạy Marathon, Squat quá nhiều lần mà chưa được tập luyện trước đó.

- Hoạt động cơ không chủ ý, chẳng hạn như co giật (uốn ván, điện giật...) và kích động tâm thần hoặc sử dụng chất kích thích.

- Các chất kích thích như rượu, cocaine, amphetamine và heroin; thuốc statin (điều trị mỡ máu) là loại thuốc kê đơn phổ biến cũng gây nên tình trạng này.

- Các chất độc như nọc rắn, khí CO và nọc ong.

- Virus, chẳng hạn như cúm và HIV, là những nguyên nhân truyền nhiễm phổ biến nhất của bệnh tiêu cơ vân. Trên thực tế, nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu cơ vân ở trẻ em, đặc biệt là virus cúm.

- Nhiễm khuẩn phổ biến nhất gây tiêu cơ vân là Legionella. Ngoài ra, hiện tượng tiêu cơ vân từ họ Enterobacteriaceae, đặc biệt là Escherichia coli, đang có xu hướng gia tăng.

Ai dễ mắc hội chứng?

- Tiêu cơ vân xảy ra ở người lớn và trẻ em. Trong đó, người lớn chiếm tỉ lệ cao và thường liên quan đến chấn thương và thuốc.

- Người Mỹ gốc Phi, nam giới, bệnh nhân béo phì, bệnh nhân dưới 10 tuổi và bệnh nhân trên 60 tuổi đều có tỷ lệ mắc bệnh tiêu cơ vân cao hơn.

Sinh lý bệnh

- Tổn thương cơ là trung tâm sinh lý bệnh của tiêu cơ vân, thường gặp nhất là do gây cạn kiệt năng lượng, gây phá hủy trực tiếp màng tế bào cơ vân làm giảm thể tích tuần hoàn và gây ra hội chứng khoang.

- Các thành phần nội bào, chẳng hạn như kali, myoglobin, creatine kinase, phosphate và các axit hữu cơ khác nhau rò rỉ vào máu. Điều này dẫn đến các biến chứng tăng kali máu và tăng phosphat máu. Myoglobin gây độc cho thận, và sự tích tụ của nó được cho là nguyên nhân chính gây tổn thương thận trong tiêu cơ vân.

- Giảm thể tích máu và toan chuyển hóa trong tiêu cơ vân cũng có vai trò chính trong tổn thương thận.

- Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) do thromboplastin được giải phóng trong quá trình chấn thương cơ.

Triệu chứng

- Tam chứng kinh điển của tiêu cơ vân là yếu cơ, đau cơ và nước tiểu màu trà.

- Ở trẻ em, đau cơ, sốt và tiền căn virus là những triệu chứng phổ biến.

- Rối loạn nhịp tim do mất cân bằng điện giải, hội chứng khoang và đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) cũng có thể được nhìn thấy.

Xét nghiệm chẩn đoán

- Tiêu cơ vân được chẩn đoán tốt nhất bằng nồng độ creatine kinase (CK) trong huyết thanh. Đây là dấu hiệu cụ thể nhất cho tiêu cơ vân với mức CK gấp 5 lần giới hạn bình thường.

- Myoglobin nước tiểu cũng có thể gợi ý.

- Tăng aspartate aminotransferase huyết thanh (AST) và alanin aminotransferase (ALT) có thể hỗ trợ chẩn đoán tiêu cơ vân. Các enzym này được tìm thấy trong cơ cũng như gan. AST có nồng độ cơ bắp cao hơn nhiều so với ALT.

- Các xét nghiệm khác như creatine, bicarbonate, canxi, phosphat huyết thanh...

Điều trị

- Truyền dịch và giải quyết nguyên nhân gây tiêu cơ vân nên là nền tảng của điều trị.

- Một số đề nghị truyền dịch sớm và tích cực với mục tiêu ngăn ngừa chấn thương thận cấp tính. Natri bicarbonate, mannitol và furosemide đã được đề xuất là phương pháp điều trị tiêu cơ vân.

Cách hạn chế diễn tiến tiêu cơ vân

- Uống nhiều nước sau khi tập thể dục hoặc làm việc vất vả, nước sẽ giúp làm loãng nước tiểu và đào thải các sắc tố myoglobin ra khỏi thận.

- Ngừng sử dụng rượu hoặc các thuốc góp phần gây nên bệnh.

- Cần có một chế độ luyện tập thể dục thể thao vừa phải, không tập luyện quá sức.

Mỹ Ý

Tin liên quan
Tin Nổi bật