Choi Hui-ji, 26 tuổi, đặt mục tiêu tiết kiệm 70% tiền lương hàng tháng. Trong đó, cô đầu tư khoảng một nửa vào các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) ở nước ngoài.
Mục tiêu của cô là sở hữu một ngôi nhà và các bất động sản tạo thu nhập khác, đồng thời đảm bảo cho khi về hưu. Cô tin bắt đầu sớm và tiết kiệm một cách nhất quán, ngay cả khi đó là số tiền nhỏ, là cách tốt nhất để giảm bớt lo lắng tài chính trong tương lai.
Giống như Choi, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chuyển sự chú ý sang đầu tư, tin rằng đây là cách duy nhất để tạo nấc thang kinh tế.
Gần đây, các bài viết giải thích cách tích lũy 100 triệu won khi ở độ tuổi 20 lan truyền khắp các trang mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn.
Một người tìm việc đang đọc thông tin việc làm tại một hội chợ việc làm ở Seoul, 10/ 7. Ảnh: Yonhap
"Tôi bắt đầu nghĩ, 'Liệu mình có bao giờ đủ khả năng mua nhà ở Seoul nếu cứ tiếp tục tiết kiệm không?'" Lee Woo-jae, 29 tuổi, làm việc trong ngành IT cho biết. Woo-jae nhận ra chỉ dựa vào thu nhập sẽ không đủ đạt mục tiêu đó nên đầu tư để tích lũy của cải.
Theo truyền thống Hàn Quốc, đa số nhà đầu tư là những người trung niên trở lên. Vì vậy, ngày càng đông người trẻ tham gia vào thị trường đầu tư được Han Young-sup, giám đốc viện Nghiên cứu chăm sóc kinh tế nước này, nhận định là xu hướng đáng chú ý và gây bất ngờ.
Lo lắng về tương lai là một yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Rào cản đầu tư được dỡ bỏ phần nào cũng tạo thêm động lực cho người trẻ. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân quản lý tài sản, gồm các lợi ích về thuế và ra mắt trái phiếu kho bạc dành riêng cho nhà đầu tư bán lẻ.
Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm và kiến thức đầy đủ có thể dẫn đến thất bại.
Tòa án phá sản Seoul cho biết, "tỷ lệ hồ sơ phá sản của những cá nhân ở độ tuổi đôi mươi, những người có hoạt động kinh tế mở rộng sang các lĩnh vực như tiền điện tử và cổ phiếu, đã tăng đều đặn từ 10,3% trong nửa đầu năm 2021 lên 17% trong nửa cuối năm 2023".
Ông Han, giám đốc viện Nghiên cứu chăm sóc kinh tế Hàn Quốc cho biết, có sự phân chia rõ ràng giữa những người trẻ: có những người có thể đầu tư thêm tiền vào tài sản, có người không thể và có nhóm thấy mắc kẹt ở giữa.
"Khi nói đến đầu tư nào, nguyên tắc cơ bản nhất là phải hiểu rằng luôn có rủi ro", ông nói.
Nếu có nền tảng tài chính vững, bạn có thể đủ khả năng thực hiện các động thái táo bạo và quyết liệt. Nhưng với phần lớn người trẻ không có khả năng, các khoản đầu tư thường kết thúc bằng thất bại.
Nhật Minh (Theo Korea Times)