Hiện thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20%, áp dụng từ 2013, trừ trường hợp được hưởng ưu đãi hoặc chịu thuế cao theo quy định. Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), mức ưu đãi với doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội (cho thuê, thuê mua, bán) là 10%. Mức này tương tự quy định tại Luật Nhà ở 2023, hiệu lực từ 1/8.
Tuy vậy, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị áp mức thuế ưu đãi 6% cho các doanh nghiệp đầu tư loại nhà ở này để cho thuê. Mức này giảm 4% so với đề xuất của Bộ Tài chính.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng so với nhà ở xã hội để bán, thuê mua, việc phát triển phân khúc nhà này cho thuê là cách làm khả thi nhất, giúp người lao động có chỗ ở ổn định. Tại nhiều khu công nghiệp, nhu cầu thuê rất lớn, thậm chí cao hơn mua để ở. Vì vậy, theo ông Châu, Chính phủ cần chú trọng hơn trong phát triển nhà ở xã hội theo hướng cho thuê.
Chủ tịch HoREA phân tích thêm, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 6%, tức thấp hơn 70% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường (thay vì 50% của các dự án để bán, cho thuê mua).
"Để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê cần có chính sách ưu đãi đồng bộ, tổng thể. Như vậy, chủ đầu tư sẽ hào hứng hơn với loại hình này", ông Châu nói.
Một dự án nhà ở xã hội tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Trước đó, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị tăng tỷ lệ phát triển nhà xã hội cho thuê, bởi việc mua bán loại nhà ở này khó đảm bảo khi chênh lệch thu nhập đang khá lớn. Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê. Còn theo Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư không phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà xã hội trong dự án để cho thuê, song không quy định tỷ trọng bán và cho thuê trong mỗi dự án phân khúc này.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến giữa tháng 7, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn, đạt 10% chỉ tiêu đến 2025. Ngoài ra, 128 dự án khởi công, dự kiến cung ứng gần 112.000 căn nhà ở xã hội.
Cả nước đạt gần 36% chỉ tiêu đến 2025, nếu tính cả dự án đã khởi công, hoàn thành. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn chậm xây phân khúc nhà này. Chẳng hạn, Hà Nội mới đạt gần 37%, còn TP HCM khoảng 21% chỉ tiêu xây dựng dự án nhà xã hội đến 2025. Bên cạnh đó, việc giải ngân gói 140.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội cũng rất chậm, mới được 1% dù triển khai được hơn 1 năm.
Cũng tại dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế này. Chẳng hạn, dự án đầu tư mới tại khu kinh tế ở địa bàn khó khăn; cơ sở kỹ thuật, ươm tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc cơ quan báo điện tử, báo hình... có thể được hưởng thuế ưu đãi lần lượt 10%; 17% và 15%.
Tuy vậy, dự thảo luật chưa bổ sung doanh nghiệp thực hiện xây lại, cải tạo chung cư cũ vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế thu nhập. HoREA góp ý cần bổ sung thêm cơ chế ưu đãi với nhóm doanh nghiệp này, để đồng bộ với Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư nên được hưởng ưu đãi thuế 10%.
"Đây cũng là mức ưu đãi các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội đang được hưởng. Việc này sẽ khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ", theo HoREA.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có hơn 2.500 chung cư cũ xuống cấp cần được xây mới. Riêng Hà Nội và TP HCM có khoảng 3.321 tòa chung cư cũ cần giải tỏa, xây lại. Tuy nhiên, chỉ số ít nhà chung cư cũ được cải tạo do thiếu chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Phương Uyên