Tháng 9 này vừa tròn 7 năm Nguyễn Hải Yến, 31 tuổi, ở Hà Nội và Baek Choulseung, kỹ sư thiết kế quê Seoul (Hàn Quốc) lần đầu gặp nhau. Họ đã có con trai bốn tuổi nhưng chưa tổ chức lễ cưới do bị hủy vì đại dịch. Hai bên thông gia cũng chưa có dịp gặp nhau trực tiếp.
Năm 2017, Hải Yến, nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp ở Đài Loan về thăm nhà, còn Choulsenung đến Hà Nội công tác. Chàng trai Hàn Quốc đã nhờ bạn bè mai mối cho một cô gái Việt nhưng "duyên mãi không tới".
Trước khi đến gặp Hải Yến, Choulsenung, 33 tuổi, bắt đầu cảm thấy nản. Anh tự nhủ đây là lần cuối đi xem mặt một cô gái Việt Nam, nếu không được sẽ về nước.
Hải Yến kể lần đó đến gặp anh "để cho xong chuyện" vì nể chị dâu giới thiệu. Cô chưa bao tin hai người qua mai mối có thể yêu nhau và càng không muốn lấy chồng nước ngoài. "Những người khác khi giới thiệu anh này anh kia đều nói về tài sản, nhưng chị dâu kể về tính cách của Choulseung nhiều hơn nên tôi đồng ý gặp", cô nói.
Sau vài lần nhắn tin, họ hẹn gặp nhau trong một quán cà phê. Điều bất ngờ nhất đã xảy ra với cô gái Việt. Tim cô bỗng nhiên loạn nhịp khi Choulseung gọi cô bằng tiếng Việt không sõi "Yến à?" và bước lại gần. "Tôi cảm giác thân thuộc lắm. Tự nhiên có một suy nghĩ hiện lên trong đầu: 'À, chồng mình đây rồi. Tôi đợi bạn hơi lâu nhé!'", Hải Yến kể.
Choulseung cũng bất ngờ vì cô gái xinh và trẻ "như học sinh cấp 3". Nhưng anh cảm nhận Hải Yến là cô gái rất biết lắng nghe. Trước đây anh tự ti vì tiếng Việt không sõi, thường bị người đối diện gạt đi, chê "nói không thể hiểu nổi". Nhưng Hải Yến lại kiên nhẫn lắng nghe, đoán xem anh định nói gì.
"Bằng một phép màu nào đó mà cô ấy hiểu đúng ý tôi muốn diễn tả", chàng trai nói. Hải Yến thì nghĩ sự đồng cảm giúp cô đoán trúng ý anh. Từng chịu cảnh bất đồng ngôn ngữ khi sang Đài Loan học tập, cô thấm cảm giác nói mà đối phương không hiểu sẽ bất lực thế nào.
Buổi gặp đầu đã thành công ngoài mong đợi của cả hai. "Khi anh nhắn tin hỏi em thích anh không, tôi bảo có, thế là yêu", Hải Yến nhớ lại.
Nhưng họ chỉ có hai tuần, vì Yến phải quay lại Đài Loan học tiếp. Choulseung cũng vùi đầu vào công việc đến tối muộn mới về. Họ giải tỏa những căng thẳng trong ngày bằng những tin nhắn, cuộc gọi video.
Hải Yến và chồng chụp ảnh cưới, năm 2019. Ảnh: Sarah
Bốn tháng sau, Hải Yến tốt nghiệp, về nước, từ bỏ mọi cơ hội làm việc vì muốn ở bên người yêu ở Hà Nội và gần mẹ. Choulseung cũng gia hạn hợp đồng làm việc tại Việt Nam thay vì về nước sau ba năm.
Nhưng mối tình của họ gặp thử thách bởi tổn thương trong quá khứ của Hải Yến.
Bố mẹ cô ly hôn năm Hải Yến mới 7 tuổi. Cô sống cùng mẹ, anh trai ở với bố. Từ năm 8 tuổi, Hải Yến đã phải sống nhờ họ hàng khi mẹ đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống khó khăn khiến cô luôn nỗ lực thoát cảnh nghèo, trưởng thành để làm điểm tựa cho mẹ. Việc đạt học bổng thạc sĩ 100% ở Đài Loan như cởi trói sự tự ti, nhưng không thể chữa lành vết thương lòng của Hải Yến.
"Bố làm tổn thương mẹ rất nhiều, điều đó ám ảnh tôi", Hải Yến kể. Khi đó cô yêu ai cũng sợ một ngày nào đó mình bị bỏ rơi. Cô luôn nghi ngờ đối phương phản bội và nghĩ tất cả đàn ông đều ngoại tình. Với người yêu cũ, chỉ cần thấy anh trò chuyện với một cô gái khác, cô mất ngủ vì lo lắng, suy diễn đủ chuyện. "Nhưng hóa ra, anh ấy chỉ nhờ tư vấn chọn quà để tặng sinh nhật tôi", Hải Yến nói.
Khi yêu Choulseung, cô vẫn không thể thoát khỏi cảm giác đó. Yến không tin anh ngày nào cũng phải làm việc đến 21-22h, thậm chí tận nửa đêm. Cô cho rằng người yêu nói dối để đi hẹn hò với người khác.
Ngày nào chàng trai Hàn cũng phải gọi video cho bạn gái để xác nhận đang ngồi ở nhà máy. Thi thoảng Hải Yến lại nửa đùa, nửa thật: "Hay anh đi chơi với cô nào?''. Choulseung làm mặt lạnh: ''Em nghĩ nhiều như vậy là có vấn đề đấy. Đừng suy nghĩ tiêu cực nữa''.
Nhưng cô vẫn âm thầm dò hỏi những người khác xem có đúng công ty thường làm việc bất kể ngày đêm hay không. Khi biết với nhiều doanh nghiệp, khi có dự án gấp họ còn phải làm liên tục và rất căng thẳng, Hải Yến mới thả lỏng cho Choulseung.
"Ban đầu tôi cũng rất ngột ngạt, nhưng hiểu lý do, tôi thấy thương và muốn bù đắp nhiều hơn", Choulseung chia sẻ.
Hải Yến khi còn du học ở Đài Trung, Đài Loan, năm 2018. Ảnh: Sarah
Kể từ đó anh chủ động "báo cáo trước" nếu tăng ca, tranh thủ lúc rảnh để gọi video. Ngày nào được về sớm, Choulseung nấu cơm, rửa bát, phụ bạn gái giặt đồ. Ngoài công việc, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh cô gái Việt.
Bà Hoàng Thị Oanh, 54 tuổi, mẹ Hải Yến khuyên con nếu lấy chồng ngoại thì tìm chồng Trung Quốc vì hai mẹ con đều thạo ngôn ngữ này. Khi biết Hải Yến trúng sét một chàng trai Hàn, bà hoang mang, dặn nên tìm hiểu kỹ vì sợ con bị lừa.
"Nhưng thấy Choulseung chăm lo cho con bé, có mẹ ở Hàn nhưng vẫn chọn sống ở Việt Nam vì vợ, tôi tin con chọn đúng người", bà nói.
Sau một năm yêu, họ nên duyên vợ chồng. Đám cưới ở Việt Nam và Hàn Quốc đã lên lịch nhưng bị hủy do dịch bệnh. Hết dịch, họ nhận ra nghi lễ chỉ là hình thức, quan trọng là học cách sống chung trong hạnh phúc. Khi nào thuận lợi, đám cưới đều có thể tổ chức. Thay vì lo cưới xin, Hải Yến đi học thêm một khóa tiếng Hàn Quốc để giao tiếp với chồng và gia đình anh. Chồng cô cũng tích cực học tiếng Việt để gần gũi hơn với văn hóa quê vợ.
Đang ngập trong hạnh phúc vợ chồng son, sự xuất hiện của bé Mandu khiến cuộc sống đảo lộn. Hải Yến bỗng trở nên khó tính, chồng không làm gì sai cũng cáu giận. Đã thế, Choulseung khô khan, không biết dỗ dành khi vợ giận nên làm tích tụ thêm bực bội trong lòng cô vợ trẻ.
Anh chồng lần đầu làm bố vốn đã lóng ngóng, lại tủi thân vì vợ hay cáu kỉnh và cảm giác bị cho ra rìa. "Anh ghen tị với Mandu quá, đẻ con ra em lúc nào cũng Mandu, không quan tâm anh", Choulseung thốt lên.
Vợ chồng Hải Yến và con trai, chụp ảnh lưu niệm, năm 2023. Ảnh: Sarah
Nhìn thấy dấu hiệu hôn nhân trục trặc, Hải Yến cầu cứu mẹ phụ chăm con để hai người thi thoảng có thời gian hẹn hò. Cô chủ động nói ra hết những bức xúc trong lòng. Thay vì âm thầm bực bội, cô "chấn chỉnh" ngay để anh biết nếu vợ giận thì phải dỗ dành ra sao.
Hiểu những điều vợ muốn, anh học cách chiều chuộng, săn sóc cô hơn. Sau giai đoạn đầu chênh vênh, họ thành những mảnh ghép hoàn hảo trong cuộc hôn nhân của mình.
"Chúng tôi nghiệm ra hôn nhân mai mối hay đa quốc gia hay không không quan trọng. Điều vợ chồng cần để có hạnh phúc vẫn là sự thấu hiểu và lòng vị tha", Hải Yến nói.
Phạm Nga