Chục năm mới thấy 'khoản đầu tư 10 lượng vàng học đại học' sinh lời

18/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
Chục năm mới thấy 'khoản đầu tư 10 lượng vàng học đại học' sinh lời

"Tốt nghiệp đại học, sau đó đi làm những năm đầu lương không bằng chi phí đi học là việc rất bình thường. Đa số ai cũng vậy trừ một vài người rất xuất sắc.

Tôi đi học đại học năm 1996, tốt nghiệp năm 2001. Chi phí cho gần 5 năm đi học khoảng 40 triệu đồng. Tính ra vàng thời điểm đó trị giá khoảng 10 lượng. Vừa tốt nghiệp, tôi đi làm nhận lương khoảng 350 nghìn đồng, sau này tôi ra ngoài làm lương được 800 nghìn đồng.

Mãi đến năm 2007 mới đột phá về lương do lên quản lý trong công ty. Càng về sau thì thu nhập càng cao, lúc đó mới thấy giá trị của việc học đại học chứ mới đầu cũng oải lắm.

Bạn bè tôi rất nhiều người mới đi làm lương cũng không đủ sống, phải làm thêm bên ngoài sau giờ làm việc. Phải 5-7 năm sau mới tạm gọi là ổn. Ai làm chức vụ cao thì mới tốt, còn bình thường thì cuộc sống chỉ khá hơn lao động phổ thông thôi".

Độc giả nickname Khoảng lặng bình luận như trên, kể về quá trình tăng lương tỷ lệ với thời gian làm việc, nếu căn cứ vào mức lương những năm đầu mới tốt nghiệp, sẽ "thấy oải" khi so sánh với chi phí học đại học. Bình luận được viết sau bài Bài toán thu hồi vốn 'cho con học đại học, tốn cả trăm triệu đồng mỗi năm'.

Vấn đề học phí, tiền lương sau khi tốt nghiệp nhận được nhiều quan tâm của độc giả VnExpress.

Độc giả Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt nói: "Trung bình một em sinh viên đi học tới khi tốt nghiệp mất 4 năm cũng mất 400-500 triệu đồng. Nếu tốt nghiệp trường đại học làng nhàng và bằng cấp trung bình thì tôi bảo đảm các em chỉ xin được việc làm công nhân tại công ty xí nghiệp khu công nghiệp mà thôi.

Như vậy lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cơ hội trôi cuộc đời mình nữa. Thời bây giờ người có bằng đại học nhiều, nên sự cạnh tranh việc làm cực kỳ khó, chưa kể kinh tế khó khăn thì với tấm bằng đại học làng nhàng và học lực bằng cấp trung bình thì càng khó xin việc.

Nếu cha mẹ lấy số tiền đó cho con đi học nghề (ví dụ: sửa ôtô, xe máy hay make-up làm tóc, trang điểm, photoshop, chụp hình, thợ cơ khí hàn tiện sửa chữa...) thì tốn chừng cỡ 40-50 triệu, số dư còn lại có thể cho con làm vốn mở tiệm kiếm sống, chừng vài năm vững tay nghề làm chủ cơ sở".

Cùng chung cách nhìn, độc giả nguyenthai9968 viết:

"Học đại học 4-5 ra trường tốn kém vài trăm triệu đồng, nếu cha mẹ ở quê khó khăn phải đi vay đi mượn thì sau khi ra trường các em làm với mức lương 6-8 triệu đồng, khoảng gần 10 năm sau may ra trả hết nợ. Lúc đó các em cũng hơn 30 tuổi rồi, làm được vài năm tiếp theo để tích cóp thì khoảng 35 tuổi trở lên các cty tìm cách cắt giảm nhân sự lớn tuổi để tuyển các em trẻ hơn trả lương thấp hơn, vòng luẩn quẩn cứ lập đi lập lại như vậy.

Nên các em con nhà nghèo nhà khó khăn phải xác định kỹ càng trước khi đăng ký học đại học để không tốn tiền tốn thời gian và có thể tìm hướng khác như học lấy 1 cái nghề vững chắc trong 2 năm rồi sau đó muốn làm việc ở trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động đều phù hợp".

Độc giả Kiên Cường cho lời khuyên:

"Học đại học ở thành phố lớn, tính cả học phí, ăn uống, đi lại, nơi ở, học thêm tiếng Anh thì cũng phải tốn cỡ 10 triệu đồng một tháng. Nhiều bạn có học bổng hay làm thêm sẽ đỡ hơn. Nhưng ham làm thêm cũng dễ học hành chểnh mảng.

Nói chung học đại học là đầu tư, cần học nghiêm túc kiến thức, kỹ năng, chăm chỉ, thật thà, đi làm lại tiếp tục học nâng cao trình độ nữa. Chứ học chơi chơi thì ra trường thất nghiệp cũng dễ hiểu.

Còn đừng vẽ cái bánh đi xuất khẩu lao động như lời mấy môi giới. Không có bằng cấp, đi làm mấy năm lao động phổ thông, kiếm được vài trăm triệu xây nhà, về lại vẫn là lao động phổ thông thôi".

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật