Trong lần sinh nhật gần nhất của Linh, chỉ vì tranh cãi về món quà, anh không tham gia cũng không liên lạc được, ba ngày sau mới xuất hiện. Thậm chí khi cô ốm, phải nằm viện, anh chỉ gọi điện hỏi thăm duy nhất một cuộc, sau đó "biệt vô âm tín" nhiều ngày.
Thời gian đầu khi bị người yêu "bạo lực lạnh", cô gái vô cùng căng thẳng, tìm mọi cách liên lạc không thành khiến tâm trạng bất an. Sau nhiều lần, Linh tự vấn lại bản thân: "Mình đã làm gì sai?", rồi chuyển sang trạng thái bị tổn hại lòng tự trọng, cuối cùng là khủng hoảng. Cô tự nhốt mình trong phòng, dày vò bản thân, suy nghĩ tiêu cực, đôi lúc có hành vi tự hại để giải tỏa.
Câu chuyện được giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU, Đại học quốc tế Bắc Hà, đồng thời là chuyên gia tư vấn tâm lý Học viện Hạnh phúc Việt Nam, chia sẻ cuối tháng 8. Linh khóc và cho biết bản thân chủ động chia tay như một cách giải thoát, nhưng càng u uất hơn. Cô tìm đến chất kích thích, sau đó xuất hiện một loạt các triệu chứng mất ngủ, đau đầu, nói nhảm. Khi làm các bài kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm.
Tương tự, Hoa, 37 tuổi cũng là nạn nhân của "bạo lực lạnh" khi chồng thường xuyên không giao tiếp với cô. "Mỗi khi tôi chủ động hỏi chuyện, anh chỉ trả lời qua loa hoặc im lặng luôn khiến không khí trong nhà vô cùng căng thẳng", Hoa nói.
Người phụ nữ không biết chồng làm gì hay đi đâu, nhắn tin nhưng anh không trả lời. Khi có vấn đề liên quan đến con cái, anh vẫn lo toan chu toàn nhưng không nói chuyện với vợ, thậm chí không một lần nhìn thẳng vào mắt cô.
Mỗi tối nằm cạnh nhau, Hoa nói: "Như hai người xa lạ". Cô mất ngủ, khóc thầm nhưng chồng không hay biết hoặc không quan tâm. Hành động khiến người phụ nữ bức bối, nhiều lần góp ý nhưng không hiệu quả.
Tình trạng kéo dài nhiều tháng khiến Hoa nảy sinh các triệu chứng buồn bã, không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, suy nghĩ tiêu cực, được chuyên gia tâm lý chẩn đoán rối loạn lo âu.
Hình ảnh một bệnh nhân gặp sang chấn tâm lý ngồi trên mỏm đá suối tự tìm cách chữa lành. Ảnh: Chuyên gia cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết bạo lực lạnh là hành vi bạo lực về tinh thần bằng cách giữ im lặng, không giao tiếp dưới mọi hình thức với đối tác.
Khác với "chiến tranh lạnh" - trạng thái khi có xung đột, mâu thuẫn, cả hai bên đều có thể chọn việc im lặng với đối phương như một cách "đáp trả", còn bạo lực lạnh chỉ mang tính một chiều, biểu thị bằng sự im lặng, thờ ơ, tránh né một cách vô cớ của một người trong khi phía còn lại có sự mong muốn giao tiếp.
Bạo lực lạnh diễn ra trong những mối quan hệ thân thiết, có sự gắn bó và kết nối giữa các đối tượng như gia đình, người yêu, bạn bè.
Với người yêu, các dấu hiệu bao gồm trở nên lạnh lùng một cách đáng sợ với đối phương; không trả lời tin nhắn, hoặc trả lời thờ ơ, có lệ; không phản hồi khi người kia bắt chuyện; luôn từ chối gặp mặt, từ chối các cuộc điện thoại bằng sự im lặng.
Với gia đình, cha mẹ thờ ơ, bạo hành lạnh con cái để trừng phạt sai lầm của trẻ; vợ chồng lạnh nhạt, không quan tâm đến nhau; luôn giữ im lặng trong mọi tình huống.
Đây được coi là một hành vi độc hại, gây tổn hại sâu sắc đến lòng tự trọng của người còn lại. Chuyên gia đánh giá hình thức này còn tàn nhẫn hơn bạo hành thể xác, vì vết thương tinh thần để lại rất sâu sắc. Nạn nhân của bạo lực lạnh có nguy cơ trở nên nhạy cảm quá mức với những yếu tố khiến họ nhớ đến việc bị bạo hành. Đầu tiên là cảm giác căng thẳng, buồn bã, đau đớn, cảm thấy tổn hại lòng tự trọng, lâu dần dẫn đến mất kết nối trong mối quan hệ đó, nảy sinh các bệnh tâm thần như căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu.
Bà Lan cho rằng hầu hết nhóm chịu bạo hành lạnh là phụ nữ và những người gây ra thường là nhóm có học thức, địa vị. Họ ý thức được việc im lặng có thể khiến đối phương cảm thấy khủng hoảng, yếu đuối, phụ thuộc, từ đó dễ dàng kiểm soát. "Nhiều trường hợp muốn mọi cảm xúc, suy nghĩ của nạn nhân đều phụ thuộc vào mình, trong khi số khác lợi dụng cách này để ép đối phương chủ động nói lời chia tay", chuyên gia nói.
Để đối phó với bạo lực lạnh, các nhà tâm lý khuyên mọi người cần nhận thức được bạo lực lạnh trong mối quan hệ, chấm dứt ngay hoặc nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Bạn cũng cần có những biện pháp cứng rắn như yêu cầu dừng bạo lực lạnh và chia sẻ bản thân bị tổn thương khi họ có hành vi như vậy.
Những tổn thương do bạo hành lạnh gây ra cần được hỗ trợ, chăm sóc và chữa lành. Nạn nhân của bạo hành lạnh nên tìm đến các chuyên gia, hoặc những trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được giúp đỡ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thúy Quỳnh