Ba phương pháp điều trị suy tuyến yên

19/09/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Nội Tiết Các Bệnh Sức Khỏe
Ba phương pháp điều trị suy tuyến yên

Tuyến yên có vai trò quan trọng trong hệ thống nội tiết của cơ thể. Tuyến này nhỏ như hạt đậu, nằm trong hố yên tại đáy não, sản xuất và giải phóng nhiều hormone thiết yếu, điều hòa chức năng của các tuyến khác trong cơ thể. Ví dụ tuyến yên gửi tín hiệu (hormone TSH) đến cho tuyến giáp để tạo hormone giáp. Hormone tuyến yên tác động đến quá trình tăng trưởng, trao đổi chất, sinh sản, điều hòa huyết áp...

Suy tuyến yên là tình trạng tuyến yên suy giảm hoạt động, không thể sản xuất hoặc giảm sản xuất một hay nhiều loại hormone. Suy tuyến yên ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến đích do tuyến yên chi phối. Ảnh hưởng có thể chậm hoặc đột ngột, tùy cơ quan bị ảnh hưởng và mức độ hormone thiếu hụt.

Dựa theo vị trí tổn thương, suy tuyến được chia thành suy tuyến yên nguyên phát và suy tuyến yên thứ phát. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tỷ lệ chữa khỏi bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân. Trong quá trình khám, bác sĩ khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Người bệnh thường được điều trị kết hợp gồm xử lý nguyên nhân gây bệnh, sử dụng thuốc thay thế hormone bù đắp lượng hormone tuyến yên bị thiếu nhằm cân bằng các loại nội tiết tố trong cơ thể. Nếu tuyến yên không thể hồi phục, người bệnh phải sử dụng thuốc thay thế hormone suốt đời.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị suy tuyến yên.

Liệu pháp thay thế hormone tuyến yên là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho người bệnh suy tuyến yên. Loại thuốc và liều lượng thuốc được bác sĩ chỉ định dựa theo loại hormone tuyến yên mà người bệnh thiếu.

Bác sĩ Trúc khám cho người bệnh. Ảnh minh họa. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phẫu thuật thường được định khi bác sĩ phát hiện có khối u trong hoặc xung quanh tuyến yên. Nếu khối u nhỏ, lành tính và không ảnh hưởng đến nồng độ hormone cơ thể, người bệnh có thể được theo dõi mà không cần phẫu thuật.

Phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u, bảo vệ tối đa sự toàn vẹn của các mô xung quanh khối u. Trước phẫu thuật, bác sĩ cần đánh giá tình trạng khối u thông qua kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm hormone trong máu. Sau khi xác định vị trí, kích thước khối u và tình trạng người bệnh, bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp bao gồm mổ từ đường mũi, nội soi hoặc mở hộp sọ.

Xạ trị được chỉ định khi người bệnh có khối u tại tuyến yên và đã được điều trị phẫu thuật nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn u. Sau xạ trị, tuyến yên của người bệnh có thể dần mất chức năng. Lúc này, người bệnh cần sử dụng thêm liệu pháp thay thế hormone.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng và loại thuốc. Khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Xây dựng lối sống lành mạnh, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để nâng cao sức khỏe. Ưu tiên rau xanh và trái cây tươi giúp cho cơ thể khỏe mạnh và cân đối. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa caffein, đường và thực phẩm chế biến sẵn. Giảm căng thẳng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, sức khỏe tổng thể.

Suy tuyến yên không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Người bệnh được can thiệp kịp thời và đúng cách giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cơ xương khớp, rối loạn tuyến giáp, tâm thần.

Bảo Ngọc

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật